Thạch địa tầng
Thạch
địa tầng là một bộ phận của địa tầng học có nhiệm vụ mô tả và sắp xếp một cách
có hệ thống các đá của vỏ Trái Đất vào các phân vị được đặt tên riêng biệt dựa
vào đặc điểm thạch học và mối liên hệ địa tầng của chúng.
Thạch
địa tầng là hệ thống phân loại địa tầng sử dụng đặc điểm thành phần thạch học của
các tầng đá làm cơ sở cho việc mô tả, phân chia các thể đá của vỏ Trái Đất
thành các phân vị địa tầng. Các phân vị thạch địa tầng được xác lập trước hết dựa
trên tính đồng nhất của các lớp đá hoặc sự ưu trội của một loại đá trong mặt cắt
mà ta có thể nhận biết trực tiếp trong tự nhiên và dễ dàng thể hiện trên bản đồ
địa chất.
Hiện
nay, do có nhiều phương pháp khác nhau đã được áp dụng trong công tác nghiên cứu
địa chất nên thạch địa tầng có tác động tích cực đối với sự khôi phục bối cảnh
lịch sử địa chất của khu vực.
Công
việc nghiên cứu và phân chia các phân vị thạch địa tầng bao gồm các bước sau.
Trước hết, việc nghiên cứu phân tích thạch học cần được tiến hành. Nhà địa chất
sử dụng tất cả các phương pháp nghiên cứu có thể có để xác định đá và tướng đá
của thể địa tầng được nghiên cứu, như nghiên cứu mô tả thực địa và nghiên cứu
trong phòng thí nghiệm (nghiên cứu thạch học, khoáng vật, địa hóa, cổ sinh, trầm
tích v.v...). Tiếp theo là nghiên cứu mối quan hệ nhằm mục đích tìm hiểu trật tự
hay dãy tướng đá, tức là nghiên cứu mối quan hệ theo chiều ngang và chiều đứng
của các tướng; mối quan hệ này phản ảnh tiến hóa của các yếu tố thành tạo đá
trong khu vực, cũng như trong bồn trầm tích.
Trong
quá trình nghiên cứu các tư liệu địa chất khu vực, không thể không chú ý đến những
hiện tượng có tính chất toàn cầu, như những hiện tượng đẳng tĩnh, nguồn gốc địa
động lực, khí hậu, vũ trụ v.v... Đó là những yếu tố có ảnh hưởng hiển nhiên đối
với sự hình thành thành phần, hình thái của trầm tích và sự gián đoạn trong các
loạt trầm tích; điều này tạo nên sự hình thành và phát triển những phương pháp
khác nhau như địa tầng phát sinh (địa tầng tướng đá, địa tầng dãy, địa tầng chu
kỳ – faciologic stratigraphy, sequence stratigraphy, cyclostratigraphy) và địa
tầng sự kiện (event stratigraphy). Những tư liệu này không cho kết quả xác định
tuổi, nhưng cho phép xác định đối tượng nghiên cứu đã xẩy ra đồng thời với các
đối tượng địa chất khác trong khu vực mà ta có thể định tuổi bằng nhiều phương
pháp, như tuổi đồng vị, sinh địa tầng v.v...
Như
vậy, thạch địa tầng cũng có thể cho phép xác định địa thời trong thang khu vực.
Kết quả là địa tầng khu vực (cơ sở cho tổng hợp toàn cầu) được nghiên cứu dựa
trên cơ sở thạch địa tầng, sinh địa tầng, địa tầng phát sinh và địa tầng dãy của
khu vực. Do đó, các phân vị thạch địa tầng tạo cơ sở cho việc tái tạo bối cảnh
lịch sử địa chất hình thành thể địa tầng.
Nhận xét
Đăng nhận xét