Hai cây mía trên bàn thờ ngày tết
"Hai
cây mía trên bàn thờ ngày Tết"
Tác giả: Nguyễn
Hùng Vĩ
Ngày
Tết, những người dân thường hay mua 2 cây mía còn nguyên phần rễ và lá về dựng
hai bên bàn thờ để thờ tự. Đến ngày khai hạ hoặc có nhà đến Rằm tháng Giêng mới
ăn.
Đã
có nhiều cách giải thích về tục lạ này như đó là việc người ta giữ sự ngọt ngào
từ năm cũ sang năm mới để kì vọng mọi việc trong năm êm ngọt; có người giải
thích từng đốt mía như nấc thang để hồn leo lên giời đến cõi siêu sinh; cũng có
nơi giải thích đó hai cây gậy để ông bà chống gậy tìm về với con cháu v.v…Cách
giải thích nào cũng thể hiện cái tâm hướng nguồn và hướng tới sự tốt đẹp.
Những
người theo và đọc Phật giáo họ có những kiến giải khác cần tham khảo. Nói
chung, tang ma, cúng tế, nghi lễ người Kinh là một hiện tượng phức tạp, tích hợp
nhiều tín ngưỡng. Những tín ngưỡng thời Việt cổ (trước công nguyên) không từng được người Việt lúc đó ghi chép
nên ta khó gặp những cái cụ thể để so sánh. Hình ảnh cây mía cũng không thật rõ
ràng, hình ảnh bông lau cũng chỉ là ước đoán. Công cụ ép mật làm đường chưa khảo
cổ được. Đối với người Kinh, trong sự tích hợp, ta dễ nhận ra nhất là tính chất
đậm đà của Phật giáo trong hành vi cúng tế này. Đốt ngũ phần hương, bày mâm ngũ
quả, tụng a di đà…toàn là của Phật giáo, không những ảnh hưởng ở người Kinh mà
còn ảnh hưởng cả dân Trung Hoa từ thời bắc thuộc, nghĩa là lâu lắc lắm rồi.
Phật
giáo Ấn Độ, theo truyền thống trước đó, coi tổ tiên Thích ca là thuộc họ Cây
Mía, tiếng Phạm là Gautama, phiên âm và chữ sang tiếng Hán là Cù Đàm hoặc còn đọc
là Cồ Đàm. Về nguồn gốc của dòng họ Mía của Phật, có nhiều thuyết được ghi sớm ở
các kinh sách khác nhau, đại đồng tiểu dị. Theo sách “Thập nhị du” thì ở trong
kiếp xa xưa trong quá khứ, có một vị Bồ tát làm vua, cha mẹ mất sớm, bèn nhường
ngôi cho em rồi theo học đạo với một người Bà la môn, ở trong một vườn mía, người
đời gọi thầy của Bồ tát là “Đại Cù đàm”, gọi Bồ tát là “Tiểu Cù đàm”. Thời ấy
có 500 tên cướp lấy của nhà quan, trên đường tẩu thoát, chạy qua vườn mía, đánh
rơi những đồ lấy được trong vườn, người đuổi bắt theo dấu tìm đến nơi, thấy thế
bèn cho Bồ tát là ăn cướp, rồi dùng tên bắn Bồ tát, máu chảy lênh láng mặt đất.
Đại Cù đàm dùng thiên nhãn thấy suốt, thương xót khóc lóc, vạt lấy máu còn đọng
trên mặt đất, trộn với bùn đựng vào hai chiếc bát nhỏ, đặtở hai bên trong vườn
mà chú nguyện rằng: Nếu Cù đàm có lòng thành thì thiên thần sẽ biến máu thành người.
Mười tháng sau, chiếc bát bên trái hóa thành con trai, chiếc bên phải hóa thành
con gái và từ đó lấy họ là Cù đàm.
Sách
“Đại nhật kinh sớ” quyển thứ 16 chép, người tiên Cù đàm (Cù đàm tiên), hành dâm
giữa hư không, có giọt nước dơ bẩn rơi xuống mặt đất, mọc thành hai cây mía,
sau đó nhờ ánh quang hợp của mặt trời mà sinh ra hai người con, một người trong
đó làm vua họ Thích. Cho nên, tương truyền người tiên Cù đàm là tổ của Thích
Ca, và dòng họ Thích cũng nhân thế mà gọi là giống Cam giá tức giống Cây Mía.
Một
truyền thuyết khác về cây mía cũng được ghi trong Phật tạng là về Cam giá vương
tức Vua cây mía.Kinh “Phật bản hạnh tập” quyển 5 chép, trước vua Cam giá, có
vua tên là Đại mao thảo vương, bỏ ngôi vua đi xuất gia, được năm thần thông, gọi
là Vương tiên. Vương tiên già yếu không đi được, các đệ tử ra ngoài xin ăn, sợ
thầy ở nhà bị hùm sói bắt, bèn để thầy vào chiếc lồng bằng cỏ rồi treo trên
cây. Bấy giờ có người đi săn, nhận lầm Vương tiên là con chim trắng, mới giương
cung bắn chết, chỗ máu của Vương tiên rỏ xuống, sau mọc lên hai cây mía, mặt trời
nóng quá, hai cây mía nứt ra và sinh một bé trai, một bé gái. Đại thần hay tin,
rước về trong cung nuôi nấng. Bé trai vì ánh nắng làm nứt cây mía mà sinh, nên
đặt tên là Thiện giá sinh; lại do mặt trời nung nên gọi là Nhật chủng; còn bé
gái thì đặt tên là Thiện hiền. Sau lập Thiện sinh làm vua và Thiện hiền được lập
làm hoàng hậu. Thiện hiền sinh được một đứa con. Sau vua lấy thêm hai người vợ
sinh được 4 đứa con. Thiền hiền muốn lập con mình làm vua, bèn khuyên vua đuổi
4 đứa con kia ra khỏi nước. Bốn người con ấy dựng nước phía sau núi Tuyết lập
nên họ Thích ca.
Ở
Việt Nam, khi vãng cảnh chùa, tức là đến với chốn Phật, phải trèo dốc cao, người
ta thường bán mía làm gậy với ý nghĩa hồi hướng về cõi Phật tổ. Vậy, theo truyền
thống, thờ tự là một nghi lễ chứa đựng cảm hứng ngược nguồn hướng cội mạnh mẽ,
cây mía ở đây sẽ biểu tượng cho cội nguồn dòng họ của Phật tổ Như lai, thờ mía
cũng là thờ cội nguồn Phật giáo.
Trong
đời sống thực sinh, nhiều gốc tích của hành vi sẽ dần dần bị lãng quên, chỉ có
tập tục là lưu giữ lâu bền như một quán tính văn hóa. Rồi dân gian, đến lượt nó
lại sáng tạo ra nhiều truyền thuyết, giai thoại để giải thích lại, tạo ra tâm
thức cộng đồng phong phú, thú vị. Điều này tồn tại như một phong cách sáng tạo
của nghệ thuật ngôn từ dân gian. Tuy nhiên, cảm hứng hướng đến nguồn cội thì vẫn
đậm đà đặc biệt khi Tết đến, người ta ngẫm nghĩ về quá khứ, thực hành trong hiện
tại và kì vọng về tương lai.
Cây
mía vốn đem lại sự ngọt lành trong đời sống, nay được thờ tự, lại thêm phần
thiêng liêng, ý nghĩa.
Nhận xét
Đăng nhận xét